GD&TĐ – Tập đoàn Giáo dục EQuest cho biết, từ tháng 6/2021, tất cả chương trình giảng dạy của các trường trong Tập đoàn sẽ tham gia kiểm định bởi tổ chức kiểm định giáo dục nổi tiếng nhất ở Mỹ, Cognia.
Chương trình giáo dục tại các trường phổ thông của EQuest đã được thiết kế và tự kiểm trước để đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn cần thiết trong giáo dục phổ thông và hòa nhập quốc tế. Các chương trình học khác như chương trình do IvyPrep Education cung cấp cũng bao gồm trong kế hoạch kiểm định lần này.
Cùng lúc đó, chương trình giáo dục phổ thông và chương trình học Tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học của một đơn vị thuộc EQuest cũng được kiểm định trên nguyên tắc phải tuân theo quy trình và tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cognia. Theo đó, trước hết các chương trình này được xây dựng và hoàn thiện theo các tiêu chuẩn quốc tế do Cognia đề ra.
Tất cả các bên liên quan tham gia kiểm định lần này cũng được yêu cầu tự kiểm tra, đối chiếu xem các tiêu chuẩn cơ sở của Cognia có được đáp ứng đúng không trước khi tổ chức này đồng ý thực hiện kiểm định.
Cognia – tiền thân là AdvancED – là một tổ chức kiểm định quốc tế hàng đầu trên thế giới, với bề dày lịch sử 125 năm. Cognia được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ tin tưởng trong việc thực hiện kiểm định chất lượng cho các trường trung học trong toàn Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.
Hiện Cognia đang thử nghiệm các chương trình liên quan đến 25 triệu sinh viên tại 80 quốc gia trên toàn thế giới.
Khi được Cognia công nhận, các trường sẽ nhận được các danh hiệu tiêu chuẩn từ Hiệp hội Kiểm định chất lượng giáo dục Trung Bắc Mỹ (NCA CASI); Hiệp hội kiểm định Tây Bắc (NWAC), Hội đồng Kiểm định và Cải tiến trường học của hiệp hội các trường cao đẳng và trường học phía Nam (SACS CASI). Các kết quả kiểm định này cũng được công nhận bởi 6 tổ chức kiểm định giáo dục khác trong khu vực Bắc Mỹ.
Tại Việt Nam hầu hết các trường song ngữ và quốc tế đều được Cognia (với tên gọi AdvancED) kiểm định chất lượng trong suốt thời gian qua. Việc công nhận của Cognia đã giúp chứng chỉ học tập của sinh viên Việt Nam được quốc tế công nhận trên phạm vi toàn cầu.